Dự báo tiêu thụ thép có thể tăng 7% trong năm 2024
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), quý 4 hằng năm là thời điểm thuận lợi thực hiện các công trình xây dựng, các doanh nghiệp thường đẩy mạnh thi công để hoàn thành tiến độ trong năm.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), quý 4 hằng năm là thời điểm thuận lợi thực hiện các công trình xây dựng, các doanh nghiệp thường đẩy mạnh thi công để hoàn thành tiến độ trong năm. Nhờ đó tiêu thụ thép tăng mạnh trong tháng 11/2023 đạt 2,5 triệu tấn, tăng 13,1% so với tháng trước và tăng 30,1% so với cùng kỳ 2022.
Tính chung 11 tháng năm 2023, sản xuất thép đạt 25 triệu tấn, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tiêu thụ thép đạt gần 23,7 triệu tấn, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu thép đạt hơn 7,4 triệu tấn, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với mặt hàng thép xây dựng, tiêu thụ trong tháng 11 tăng so với các tháng trước và đạt mức cao nhất trong 20 tháng qua, đạt 1,1 triệu tấn, tăng 29% so với tháng trước và tăng 28% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 45% bán hàng thép thành phẩm. Trong đó, tiêu thụ thép xây dựng của nhiều doanh nghiệp tăng mạnh.
Lũy kế 11 tháng năm 2023, tiêu thụ thép xây dựng đạt 9,7 triệu tấn, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,56 triệu tấn, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2022.
Dự báo về triển vọng ngành thép năm 2024, ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký VSA cho biết, sản lượng tiêu thụ có thể đạt gần 29 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023.
Theo hãng Chứng khoán Vietcombank (VCBS), thời gian tới ngành thép Việt Nam sẽ được kích thích thêm từ nhu cầu phục hồi. Theo dự báo của Hiệp hội Thép thế giới, nhu cầu tiêu thụ thép toàn thế giới trong năm 2023 hồi phục nhẹ ở mức 1,8% và tiếp tục tăng trưởng 1,9% vào năm 2024. Trong đó, sự hồi phục đáng kể ở các quốc gia châu Âu, châu Á, Mỹ…
Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu thép tại các quốc gia chủ lực như Mỹ, EU có tốc độ hồi phục tốt trong 9 tháng đầu năm 2023, tính từ đáy quý 4/2022. Nhu cầu nhập khẩu được kỳ vọng có thể tiếp tục duy trì quán tính tích cực trong các quý tiếp theo trong bối cảnh chênh lệch giá bán nội địa EU, Mỹ và khu vực châu Á đang ở mức cao.
VCBS kỳ vọng năm 2024, đầu tư công sẽ bứt phá bởi giải ngân cho các dự án tồn đọng từ 2023 chuyển sang và gói kích thích kinh tế bổ sung của Chính phủ.
Bên cạnh đó, ngành bất động sản nội địa dần phục hồi cũng là bệ đỡ cho nhu cầu ngành thép vào 2024. Thị trường xây dựng bất động sản (chiếm 60% nhu cầu thép) đang dần được tháo gỡ khó khăn nhờ những chính sách sửa đổi. Số dự án đang triển khai cho thấy sự tăng trưởng rõ rệt tại miền Bắc và có sự phục hồi tại khu vực miền Nam. Điều này giúp cho nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng có thể hồi phục trong các quý tới.