Hotline: 0965022743

phuonglantisco@gmail.com

Giá thép bao giờ hồi phục?

10:14 SA
Thứ Hai 23/09/2024
 55
tr820240907193400.png

(TBTCO) - Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, thị trường thép trong nước sẽ vẫn trầm lắng trong tháng 9 và giá thép nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì xu hướng giảm. Tuy vậy, giá khó giảm sâu xuống dưới mức 13.000 đồng/kg và triển vọng giá sẽ tích cực hơn vào quý IV/2024 khi vào mùa xây dựng, đặc biệt là nhờ những nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực bất động sản và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

PV: Ông đánh giá thế nào về thị trường sắt thép trong nước và thế giới từ tháng 6/2024 đến nay?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Kể từ tháng 6 cho tới nay, thị trường sắt thép thế giới diễn biến khá ảm đạm do nhu cầu của thị trường sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất thế giới - Trung Quốc vẫn còn yếu. Cho nên, giá sắt thép thế giới cũng có xu hướng giảm rõ nét.

Cụ thể, tại thị trường Trung Quốc, giá thép cây dùng trong xây dựng đang ở mức rẻ nhất kể từ năm 2017. Giá thép cuộn cán nóng (HRC) dùng trong ngành sản xuất cũng đang ở mức thấp nhất trong 4 năm, hiện dao động quanh mức 3.300 nhân dân tệ/tấn, tương đương giảm hơn 11% so với thời điểm đầu tháng 6. Trong khi đó, giá nguyên liệu thô đầu vào để sản xuất thép là quặng sắt cũng liên tục lao dốc. Theo ghi nhận của MXV, giá quặng sắt niêm yết trên Sở Giao dịch Singapore (SGX) nay đã giảm khoảng 9% so với đầu tháng 6 và rơi xuống mức đáy hơn một năm, hiện đang ở vùng giá 90 USD/tấn.

Quý IV, giá sắt thép có thể điều chỉnh tăng trở lại

Ông Nguyễn Đức Dũng cho rằng, sang quý IV, nhu cầu tăng theo mùa tại Trung Quốc cùng với những tín hiệu tích cực từ yếu tố vĩ mô khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới chuyển sang hạ lãi suất, giá sắt thép có thể trải qua những nhịp điều chỉnh tăng trở lại. Sự phục hồi của ngành thép trong năm nay chủ yếu vẫn xuất phát từ sự so sánh với mức nền thấp của năm ngoái.

Diễn biến đồng pha với giá thế giới, thị trường sắt thép trong nước vẫn trầm lắng và giá thép tiếp tục giảm khi nhu cầu tiêu thụ vẫn còn yếu, hoạt động xây dựng đang trong mùa thấp điểm. Sau nhiều lần điều chỉnh giảm giá liên tiếp kể từ giữa tháng 5 tới nay, hiện giá thép cuộn CB240 tại miền Bắc đang giữ ở mức 13.580 - 13.700 đồng/kg, trong khi giá thép thanh vằn D10 CB300 dao động trong khoảng 13.430 - 14.010 đồng/kg.

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến giá mặt hàng này tăng, giảm trong những tháng qua?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Về diễn biến giá sắt thép thế giới, như tôi đã đề cập ở trên, nguyên nhân chính khiến giá giảm là do tình hình tiêu thụ ảm đạm tại thị trường Trung Quốc. Ngành công nghiệp thép của nước này vẫn đang phải vật lộn với các khó khăn chồng chất trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản chìm đắm trong khủng hoảng, không thể hấp thụ được công suất dư thừa của các nhà máy thép.

Trong khi đó, đây lại là phân khúc tiêu thụ thép nhiều nhất tại nước này, với sản lượng hàng tỷ tấn mỗi năm. Mặc dù nhu cầu thép từ các lĩnh vực khác như sản xuất và đóng tàu vẫn đang tăng trưởng, nhưng quy mô của các ngành này quá nhỏ không thể bù đắp cho nhu cầu sụt giảm mạnh từ lĩnh vực bất động sản. Do vậy, sự suy thoái kéo dài trong lĩnh vực bất động sản kết hợp với sự thiếu vắng các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, đã khiến ngành thép của nước này mãi không thoát khỏi khủng hoảng và tình trạng lao dốc kể từ đầu năm đến nay. Giá thép liên tục giảm sâu khiến các doanh nghiệp lao đao, biên lợi nhuận của các nhà máy rơi xuống mức âm. Giới chuyên gia cho biết hiện chỉ có khoảng 5% nhà sản xuất thép Trung Quốc hoạt động có lãi trong bối cảnh hiện tại.

Ngoài ra, sự suy yếu của ngành thép cũng kéo theo sự sụt giảm trong nhu cầu quặng sắt, vật liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất thép. Lượng hàng tồn kho quặng sắt tại cảng của Trung Quốc thường giảm vào giữa năm do nhu cầu tăng theo mùa, nhưng thay vào đó, tồn kho liên tục tăng trong năm nay, hiện đã vượt 150 triệu tấn và duy trì ở mức cao này trong suốt 2 tháng gần đây. Đây cũng là mức tồn kho cao nhất trong hơn 2 năm qua. Những điều này phản ánh rõ sự khó khăn của ngành sắt thép nước này.

Đối với thị trường trong nước, sự khởi sắc từ cuối năm ngoái đã tạo bước đệm cho ngành thép duy trì ổn định trong giai đoạn đầu năm nay. Chỉ tính riêng trong quý I, sản xuất thép thô đạt tổng cộng 5,32 triệu tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, tiêu thụ đạt 5,38 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sau các tín hiệu phục hồi của quý I, ngành thép nước ta lại nhanh chóng bước sang giai đoạn trầm lắng kể từ quý II tới nay do nhu cầu tiêu thụ còn yếu, lĩnh vực bất động sản chưa phục hồi rõ rệt trong khi hoạt động xây dựng đang trong mùa thấp điểm. Ngoài ra, bị thép giá rẻ của Trung Quốc cạnh tranh khốc liệt nên các doanh nghiệp thép trong nước gặp khó. Kể từ tháng 6 tới nay, giá thép trong nước vẫn đi theo chiều hướng giảm.

PV: Dự báo giá sắt thép trong nước và thế giới từ nay đến cuối năm sẽ diễn biến ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Chuyển sang cuối quý III, tôi cho rằng đà giảm của giá sắt thép thế giới sẽ tiếp tục kéo dài và chưa thể phục hồi trở lại, do nhu cầu yếu tại Trung Quốc vẫn đang là yếu tố có tác động rất mạnh đến xu hướng giá. Đáng lưu ý, do sự sụt giảm mạnh trong nhu cầu nội địa cùng với một số chính sách của Chính phủ liên quan đến quản lý chất lượng thép, các doanh nghiệp thép Trung Quốc đã liên tục bán tháo và đẩy mạnh xuất khẩu thép ra thế giới. Trong 7 tháng năm 2024, Trung Quốc đã xuất đi hơn 61 triệu tấn thép và dự kiến sẽ đạt khoảng 127 triệu tấn trong cả năm nay, vượt qua mức kỷ lục 110 triệu tấn đạt được vào năm 2015. Điều này đang khiến cho thép giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường, đồng thời làm gia tăng căng thẳng thương mại trên thế giới.

Do vậy, sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ trên toàn cầu có thể tác động xấu lên ngành thép và kéo giá thép giảm hơn nữa. Giá nguyên liệu đầu vào là quặng sắt dự kiến có thể giảm xuống mốc 80 - 85 USD/tấn.

Đối với giá thép trong nước, thời điểm cuối quý III vẫn đang trong mùa mưa, hoạt động xây dựng nhiều khả năng vẫn chưa có nhiều sự bứt phá. Hơn nữa, lĩnh vực bất động sản mặc dù đã có dấu hiệu ấm lên nhưng vẫn chưa thực sự cải thiện rõ rệt. Sự phục hồi của ngành thép trong năm nay chủ yếu vẫn xuất phát từ sự so sánh với mức nền thấp của năm ngoái.

PVXin cảm ơn ông!

Xuất khẩu sắt, thép có nhiều tín hiệu tích cực

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tháng 7/2024, sản xuất thép thô đạt 927.180 tấn, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 17% so với cùng kỳ; sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 2,527 triệu tấn, tăng 2,59% so với tháng 6/2024 và tăng 5,2% so với cùng kỳ; bán hàng thép thành phẩm đạt 2,464 triệu tấn, tăng 4,22% so với tháng 6/2024 và tăng 13,1% so với cùng kỳ.

Tính chung 7 tháng năm 2024, sản xuất thép thô đạt hơn 12,8 triệu tấn, tăng 21% so với cùng kỳ; tiêu thụ thép thô nội bộ và xuất bán đạt 12,41 triệu tấn, tăng 17%; trong đó xuất khẩu đạt 1,58 triệu tấn, tăng 45%.

VSA cho biết, xuất khẩu sắt thép đang có tín hiệu tích cực, với dự kiến mức tiêu thụ thép tăng 6,4% đạt gần 21,6 triệu tấn. Bên cạnh đó, xuất khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm sẽ tăng 12%, lên gần 13 triệu tấn trong năm nay.

Còn theo Tổng cục Hải quan, giá sắt thép xuất khẩu trung bình lũy kế từ đầu năm 2024 đến ngày 15/8 giảm 5,6% so với cùng kỳ, còn 732 USD/tấn. Điều này kéo kim ngạch xuất khẩu sắt thép của Việt Nam chỉ tăng 13% so với cùng kỳ, đạt 5,9 tỷ USD

Nhìn chung, các tháng đầu năm lượng xuất khẩu sắt thép của Việt Nam liên tục ở mức cao, ngoại trừ tháng 2 và tháng 6, các tháng còn lại đều đạt trên một triệu tấn. Riêng 15 ngày đầu tháng 8/2024, lượng sắt thép xuất khẩu đạt mức trên 531.000 tấn. Đáng chú ý, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu sắt thép lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng năm 2024 với kim ngạch trên 900 triệu USD, tăng gần 92%./.


Bài viết liên quan
. .